Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hưng Yên năm 2021 – 2022 có đáp án
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Hưng Yên năm 2021 – 2022 có đáp án
Phòng Giáo dục và Đào tạo …..
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2021 – 2022
Bài thi môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: phút
(không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU(4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
(Trích Nhớ con sông quê hương, Tế Hanh, Lòng miền Nam, NXB Văn nghệ, 1956)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra hai từ láy có trong đoạn trích.
Câu 3 (0,5 điểm): Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu.
Câu 4 (0,5 điểm): Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ” và biết nó thuộc kiểu câu gì?
Câu 5 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng sau:
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Câu 6 (1,0 điểm): Qua đoạn trích trên, anh/chị cảm nhận gì về tình cảm của nhà thơ đối với quê hương?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn diễn dịch (từ 8 đến 10 câu, trong đó có một câu sử dụng thành phần biệt cảm thán, gạch chân thành phần cảm thán) với câu chủ đề:
Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.
Câu 2 (4,0 điểm): Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2 (0,5 điểm): Hai từ láy có trong đoạn trích: lấp loáng, mới mẻ.
Câu 3 (0,5 điểm): Từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu: sông xanh biếc, nước gương trong, những hàng tre, lòng sông lấp loáng
Câu 4 (0,5 điểm):
Cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi(CN)/giữ mãi mối tình mới mẻ(VN).”
Thuộc kiểu câu trần thuật đơn.
Câu 5 (1,0 điểm):
– Biện pháp tu từ so sánh: Cái nắng của buổi trưa hè là nắng gắt, như tâm hồn tràn đầy nhựa sống và tình yêu thiết tha với quê hương của tác giả vậy. Nó mở ra một khung cảnh trữ tình đầy duyên dáng.
– Nắng không “chiếu”, không “soi”, mà là “tỏa” – diễn tả được hết cái tấm lòng bao la muốn tỏa sáng trọn vẹn dòng sông quê. Sức nóng của mùa hè- sức sống của tác giả, điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, vun đắp những khát vọng đẹp và biết bao nhiêu vần thơ hay về quê hương.
Câu 6 (1,0 điểm):
Tác giả đã nhắc nhở bao người về vẻ đẹp bình dị mà đáng trân trọng của quê hương mình, qua đó kín đáo gợi mở tình yêu nước sâu nặng, bền chặt. Qua đó ta thấy nhà thơ luôn yêu và gắn bó với quê hương đất nước, tự hào về những nét đẹp bình dị và trong sáng của nó, nơi mà mỗi khi đi xa luôn canh cánh nhớ về, khắc khoải khôn nguôi.
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1
Đoạn văn chỉ từ 8 – 10 câu nên các em đặc biệt lưu ý những ý sau:
– Giới thiệu được vấn đề: Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.
– Giải thích được vấn đề: Tình yêu quê hương đất nước: là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên.
– Biểu hiện: tình cảm với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra, trong cả việc bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc….
– Vai trò của tình yêu quê hương đất nước: giúp mỗi con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, không quên nguồn cội; nâng cao tinh thần trách nghiệm và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người.
– Mở rộng: Tình yêu quê hương đất nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi con người dù ở bất kỳ đất nước nào. Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.
– Phản đề: Phê phán một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, sống vô tâm với mọi người, không biết đóng góp xây dựng quê hương đất nước ngược lại còn có những hành vi gây hại đến lợi ích chung của cộng đồng,…
– Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại nhận định của em về tình yêu quê hương đất nước (quan trọng, cần thiết,…). Đưa ra lời khuyên cho mọi người.
Câu 2
Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:
+ Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.
+ “Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.
– Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.
Thân bài
* Khái quát về truyện Chuyện người con gái Nam Xương
– Hoàn cảnh ra đời: Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền) của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỉ XVI. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”.
– Cốt truyện: Truyện kể về người con gái tên Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.
* Phân tích nhân vật Vũ Nương
– Hoàn cảnh sống:
+ Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ
+ Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.
– Vũ Nương, người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp
+ Là người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp
+ Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng
Biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.
=> Chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con.
+ Người con dâu hiếu thảo:
. Thay chồng chăm lo phụng dưỡng mẹ chồng
. Khi mẹ chồng ốm thì thuốc thang chạy chữa, lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên lơn để cho mẹ có thể vơi bớt đi nỗi nhớ thương và mong ngóng con.
. Lo ma chay, tế lễ chu đáo khi mẹ chồng mất.
+ Người mẹ thương con hết mực:
. Khi chồng đi lính chưa được bao lâu thì Vũ Nương sinh bé Đản và một mình gánh vác hết việc nhà chồng nhưng nàng chứ bao giờ chểnh mảng chuyện con cái.
. Để con trai bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha, nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản.
→ Vũ Nương là một người phụ nữ lý tưởng đầy đủ phẩm chất công – dung – ngôn – hạnh.
=> Nguyễn Dữ đã dành thái độ yêu mến, trân trọng đối với nhân vật qua từng trang truyện, khắc họa hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.
– Bi kịch số phận bất hạnh, hẩm hiu:
+ Nàng là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do: Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương.
+ Là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa:
. Cuộc sống hôn nhân với Trương Sinh chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính, để lại mình Vũ Nương với mẹ già và đứa con còn chưa ra đời.
. Trong ba năm chồng đi lính, nàng phải thay chồng cáng đáng việc gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già
. Sự xa cách do chiến tranh đã tạo điều kiện nảy sinh hiểu lầm.
+ Nỗi đau, oan khuất:
Người chồng đa nghi vì nghe lời con trẻ ngây thơ nên nghi oan, cho rằng nàng đã thất tiết, mắng nhiếc, đánh và đuổi nàng đi mặc nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan.
Không thể thanh minh được, nàng tìm đến cái chết để tỏ bày nỗi oan ức, bảo toàn danh dự.
+ Dù ở thủy cung luôn nhớ về nhân gian nhưng không thể trở về được
→ Vũ Nương có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt.
=> Tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời rẻ rúng, chà đạp lên hạnh phúc của con người nhất là người phụ nữ.
* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
– Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật
– Khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại… kết hợp với yếu tố kì ảo có thực
– Bút pháp miêu tả nhân vật sinh động
*Tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến
. Nguyễn Dữ đã xây dựng được một hình tượng nhân vật người phụ nữ hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Vũ Nương cũng là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
. Qua đó, tác giả đã đứng trên lập trường nhân sinh để bênh vực cho họ, đồng thời lên tiếng tố cáo gay gắt với các thể lực đã gây ra nỗi đau khổ cho họ.
. Liên hệ với cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Kết bài: Khái quát và khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương.
Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn mới nhất có đáp án hay khác:
- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Thái Nguyên năm 2021-2022 (có đáp án)
- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Tuyên Quang năm 2021-2022 (có đáp án)
- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Quảng Ninh năm 2021-2022 (có đáp án)
- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Trà Vinh năm 2021-2022 (có đáp án)
- Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn Ninh Bình năm 2021-2022 (có đáp án)