Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 22)

Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 22)

Câu 1 (2 điểm).

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

   “Mẹ ơi những ngày xa

   Là con thương mẹ nhất

   Mẹ đặt tay lên tim

   Có con đang ở đó

   Như ngọt ngào cơn gió

   Như nồng nàn cơn mưa

   Với vạn ngàn nỗi nhớ

   Mẹ dịu dàng trong con!”

(Trích Dặn mẹ – Đỗ Nhật Nam)

1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?

2. Tìm từ láy có trong đoạn thơ.

3. Hai câu thơ sau mang hàm ý gì?

   “Mẹ đặt tay lên tim

   Có con đang ở đó”

Câu 2 (3 điểm).

“Cuộc sống quanh ta đang bị ngập trong rác.”

Em hãy viết một bài văn nghị luận nêu ý kiến của mình về vấn đề trên.

Câu 3 (5 điểm).

Phân tích những câu thơ sau trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

   “Quê hương anh nước mặn, đồng chua

   Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

   Anh với tôi đôi người xa lạ

   Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

   Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

   Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

   Đồng chí!

   …

   Đêm nay rừng hoang sương muối

   Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

   Đầu súng trăng treo.”

(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục 2017, Tr. 128-129)

Đáp án & Thang điểm

Câu 1: Về đoạn trích trong bài thơ Dặn mẹ của Đỗ Nhật Nam.

a.

– Đoạn trích được viết theo thể thơ năm chữ (ngũ ngôn).

– Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

b. Từ láy có trong đoạn: Ngọt ngào, nồng nàn, dịu dàng.

c.

– Hai câu thơ muốn người nghe (người đọc) hiểu theo hàm ý: Mẹ luôn yêu con tha thiết và trong trái tim người mẹ luôn lưu giữ hình ảnh của con mình.

– Đồng thời qua đó thể hiện tình yêu mẹ sâu sắc của tác giả.

Câu 2:Đề mang tính mở nên thí sinh có thể viết theo nhiều cách. Dưới đây là một số gợi ý cơ bản nhằm định hướng chấm bài:

Mở bài: Giới thiệu được vấn đề nghị luận

Thân bài:

Gợi hướng :

– Rác là gì? Trong đời sống hiện nay có những loại rác nào? (rác: sinh hoạt, sản xuất, âm thanh, … rác văn hóa, rác trong tính cách..)

– Hiện nay, tình trạng rác đang tràn ngập cuộc sống ra sao?

– Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc sống của nhân loại bị ngập bởi rác?

– Rác gây ra những hậu quả gì với cuộc sống của chúng ta?

– Cần làm gì để làm cho cuộc sống không bị ngập bởi rác?

Kết bài: Trở lại vấn đề nghị luận và nêu lời kêu gọi hành động

Câu 3: Phân tích đoạn thơ trong bài Đồng chí của Chính Hữu

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích và trích dẫn đoạn thơ.

Thân bài:

A, Về nội dung: (2,5 điểm)

* Cơ sở hình thành tình đồng chí (7 câu đầu)

– Họ xuất thân cùng cảnh ngộ nghèo khó;

– Tình đồng chí đồng đội còn bắt nguồn từ sự cùng chung lí tưởng, mục đích chiến đấu;

– Tình đồng chí được nảy nở và trở thành bền chặt trong sự chan hoà chia sẻ mọi thiếu thốn;

– Câu thơ thứ 7: Câu đặc biệt – một tiếng gọi trầm xúc động từ trong tim, lắng đọng trong lòng người về hai tiếng mới mẻ, thiêng liêng.

* Vẻ đẹp của tình đồng chí (3 câu cuối)

– Bức tranh đẹp về tình đồng chí đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính, sát cánh bên nhau chiến đấu trong tư thế chủ động.

– Nổi nên trên nền cảnh rừng đêm là ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng…

– Hình ảnh “đầu súng trăng treo” cảnh vừa thực, lại vừa mộng, là vẻ đẹp hài hoà của tâm hồn chiến sĩ, thi sĩ.

B, Về nghệ thuật: (1,0 điểm)

– Đoạn trích đã sử dụng thành công bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn tạo nên hình ảnh thơ đẹp mang ý nghĩa biểu tượng.

– Ngôn ngữ bình dị, tình cảm chân thành, sử dụng thành công kiểu câu đặc biệt và phép tu từ ẩn dụ.

Kết bài: – Đánh giá lại giá trị của đoạn trích (khái quát lại nội dung đã phân tích)

Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án hay khác: