Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 15)

Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 15)

Câu 1: (4 đểm) Trong văn bản “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang Tiềm viết:

“Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kỹ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. … Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về.”

(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

a. Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên gì về việc đọc sách?

b. Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích.

c. Đọc sách là một con đường quan trọng để tích luỹ, nâng cao học vấn. Em hãy trình bày suy nghĩ (Khoảng 1 trang giấy thi) về vấn đề đọc sách trong hoàn cảnh thế giới công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Câu 2: (6 điểm) Trong bài thơ “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy có đoạn viết:

   “Thình lình đèn điện tắt

   phòng buyn-đinh tối om

   vội bật tung cửa sổ

   đột ngột vầng trăng tròn…

 

   Ngửa mặt lên nhìn mặt

   có cái gì rưng rưng

   như là đồng là bể

   như là sông là rừng…

 

   Trăng cứ tròn vành vạnh

   Kể chi người vô tình

   ánh trăng im phăng phắc

   Đủ cho ta giật mình”

(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

a) Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

b)Tình huống “Thình lình đèn điện tắt” có vai trò, ý nghĩa gì trong bài thơ?

c) Các hình ảnh: Đồng, bể, sông, rừng trong đoạn trích trên đã từng xuất hiện ở khổ thơ thứ nhất của bài thơ. Việc lặp lại các hình ảnh ấy ở đoạn trích này có ý nghĩa gì ?

d) Viết một đoạn văn theo cách lập luận qui nạp (khoảng 12 câu) phân tích khổ thơ cuối của bài thơ để làm rõ ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm. Trong đoạn văn có sử dụng phép thế và một câu cảm thán (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép thế và câu cảm thán).

e) Đoạn thơ trên gợi nhắc cho em nhớ tới bài thơ nào mà ở đó, hình ảnh trăng và rừng cũng trở nên vô cùng gần gũi, thân thuộc với cuộc đời người lính? Hãy ghi rõ tên tác giả của tác phẩm ấy.

Đáp án & Thang điểm

Câu 1: 4 điểm

a) Lời khuyên của tác giả: Chọn sách mà đọc và đọc cho kĩ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm.

b) Trong câu văn đó, tác giả sử dụng phép tu từ so sánh và ẩn dụ (đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về).

Hiệu quả nghê thuật: Diễn tả một cách hình ảnh và sinh động hệ quả của việc đọc nhiều mà không nghĩ sâu thì dù sách có hay, có bổ ích thì cũng chẳng thu nhận được điều gì giá trị. Từ đó người đọc nhận thức được không nên đọc qua loa, đại khái.

c) Yêu cầu nội dung: Các ý cơ bản:

* Tầm quan trọng của đọc sách: Dù xã hội có phát triển đến đâu thì đọc sách vẫn giữ vai trò quan trọng. Đọc sách là con đường quan trọng tiếp nhận, chiếm lĩnh tri thức của nhân loại sách bồi dưỡng tâm hồn hướng con người đến những điều tốt đẹp…

* Trong hoàn cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay:

– Không ít người tỏ ra thờ ơ với việc đọc sách các thư viện vắng người, cửa hàng sách ế ẩm nhiều quyển sách có giá trị nhưng chỉ phát hành với số lượng ít ỏi.

– Thay vì đọc sách, người ta tìm kiếm thông tin cần thiết trên mạng hoặc qua các thiết bị nghe nhìn hiện đại: Ti vi, đài, điện thoại thông minh có kết nối internet… so với việc đọc sách báo, các phương tiện nghe nhìn ấy có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại.

* Hệ quả của việc ít đọc sách:

– Mất đi cơ hội được tiếp cận và chiếm lĩnh kho tàng tri thức đồ sộ, phong phú của nhân loại kiến thức bị hạn chế. Mạng Internet có khối lượng thông tin lớn, nội dung phong phú, nhanh và cập nhật nhưng khi đọc xong, thông tin đọng lại trong người đọc không được bao nhiêu. Người đọc không thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn cũng như linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó giống như đọc sách truyền thống.

– Mất đi cơ hội để bồi dưỡng, nâng cao đời sống tâm hồn…

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, sách mềm, sách điện tử đã ra đời song không nhiều, nội dung chưa phong phú. Vì vậy, việc đọc sách mềm và sách điện tử không thể thay thế cho việc đọc sách giấy.

* Giải pháp:

– Xã hội cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách.

– Thư viện trường học cần bổ sung đầu sách với nội dung đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, sở thích của học sinh.

– Cá nhân cần tạo thói quen đọc sách hàng ngày chọn sách hay, phù hợp với mục đích, nhu cầu đọc kĩ, suy ngẫm để tạo thành kiến thức, nếp nghĩ cho bản thân.

– Người đọc cần phải biết kết hợp hài hòa giữa văn hóa đọc truyền thống và văn hóa đọc hiện đại để đạt được hiệu quả cao nhất.

Câu 2: (6 điểm)

a) Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Ánh trăng: 1978, sau 3 năm đất nước thống nhất tác giả công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Tình huống “thình lình đèn điện tắt” có vai trò, ý nghĩa: Tạo nên bước ngoặt trong việc thể hiện cảm xúc của bài thơ và từ đó làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

c) Các hình ảnh: Đồng, bể, sông, rừng trong đoạn trích trên đã từng xuất hiện ở khổ thơ thứ nhất của bài thơ. Việc lặp lại các hình ảnh ấy ở đoạn trích này có ý nghĩa:

– Gợi nhớ về hình ảnh thiên nhiên đã gắn bó với nhân vật trữ tình trong quá khứ (hồi nhớ, hồi chiến tranh).

– Hình ảnh hoán dụ biểu tượng cho quá khứ tuổi thơ hồn nhiên (đồng, sông, bể) và quá khứ gian lao mà hào hùng thắm tình đồng chí đồng đội (rừng).

d) Phân tích khổ thơ cuối của bài thơ:

* Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng và chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm:

– Trăng “tròn vành vạnh”:

Gợi hình ảnh thiên nhiên tươi mát.

– Biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị mà vĩnh hằng của đời sống.

– Biểu tượng cho quá khứ tròn đầy, thủy chung, không thay đổi.

– 2 câu đầu các từ “cứ”, “kể chi” → sự đối lập: Sự tròn đầy, vẫn nguyên, thủy chung của vầng trăng – quá khứ với sự thiếu sót, vô tình, sự đổi thay của con người.

– Hình ảnh nhân hóa “ánh trăng im phăng phắc”: Trăng hiện lên như người bạn với cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung. Cái nhìn có sức soi rọi vào sâu bên trong tâm hồn con người để cho con người chợt giật mình thức tỉnh.

– Giật mình nhận ra sự vô tình đáng trách của mình, vì cuộc sống đầy đủ, vì hoàn cảnh ấm êm mà trở thành kẻ quay lưng với quá khứ. Đối diện với vầng trăng bao dung, một vầng trăng “tròn vành vạnh, im phăng phắc”, không lời buộc tội nhưng đủ để cho nhân vật trữ tình thấm thía với lỗi lầm. Lời thơ giản dị nhưng giàu ý nghĩa triết lí. Nó gợi cho con người đạo lý thủy chung, uống nước nhớ nguồn .

e) Đoạn thơ trên gợi nhắc bài thơ “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu.

Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án hay khác: