Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 19)

Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2023 có đáp án (Đề 19)

Câu 1. Cho đoạn văn:

“Thương chồng ốm đau mà bị đánh đập, cùm kẹp, chị Dậu đã lấy thân mình che chở cho chồng trước đòn doi tàn nhẫn của bọn lính tráng. Phải bán con chị như đứt từng khúc ruột nhưng cũng chẳng qua là vì một xuất sưu của chồng. Ngược lại đến khi bị giải lên huyện, ngồi trong quán cơm mà nhịn đói. Chị vẫn nghĩ đến chồng, đến cái Tỉu, thằng Dần, cái Tí.”

a) Chỉ rõ các lỗi và sửa lại cho đúng.

b) Đoạn văn trên có câu chủ đề không? Nếu có, hãy ghi lại câu chủ đề. Nếu không có, hãy viết thêm câu chủ đề cho đoạn văn.

Câu 2. Cho đoạn thơ:

   Con ơi tuy thô sơ da thịt

   Lên đường

   Không bao giờ nhỏ bé được

   Nghe con.

(Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)

a) Tìm thành phần gọi – đáp trong những dòng thơ trên?

b) Theo em việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé” được nhằm biểu đạt điều gì?

c) Từ bài thơ trên và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 1/2 trang giấy thi) về cội nguồn của mỗi con người qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.

Câu 3: Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật anh thanh niên trong văn bản Lặng lẽ Sa Pa (Ngữ Văn 9 – tập 1) của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Đáp án & Thang điểm

Câu 1:

a) Yêu cầu học sinh phát hiện và sửa hết các lỗi chính tả, ngữ pháp, liên kết câu. Học sinh có thể có nhiều cách chữa khác nhau song cần ngắn gọn, chính xác, đảm bảo ý của người viết.

– Lỗi chính tả:

+ doi sửa thành: roi

+ xuất sửa thành: suất.

– Lỗi ngữ pháp: thay dấu chấm sau nhịn đói bằng dấu phảy.

– Lỗi liên kết câu : Bỏ từ nối Ngược lại.

(có thể chép lại hoàn chỉnh đoạn văn sau khi đã sửa).

“Thương chồng ốm đau mà bị đánh đập, cùm kẹp, chị Dậu đã lấy thân mình che chở cho chồng trước đòn roi tàn nhẫn của bọn lính tráng. Phải bán con chị như đứt từng khúc ruột nhưng cũng chẳng qua là vì một suất sưu của chồng. Đến khi bị giải lên huyện, ngồi trong quán cơm mà nhịn đói, chị vẫn nghĩ đến chồng, đến cái Tỉu, thằng Dần, cái Tí.”

b)

– Đoạn văn trên không có câu chủ đề.

– Có thể thêm câu chủ đề sau đây: Chị Dậu là một người phụ nữ rất mực thương yêu chồng con.

Câu 2:

a) Thành phần gọi đáp: ơi, nghe

b) Việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé” được nhằm dặn dò, khuyên nhủ một cách thiết tha:

– Khi lớn lên, bước vào cuộc sống, con không bao giờ được nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, vất vả, thách thức và phải có bản lĩnh, nghị lực vượt qua mọi khó khăn đó.

– Con phải tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương để tiếp nối, phát huy và luôn tự tin bước vào cuộc đời.

c) Yêu cầu về hình thức:

– Học sinh trình bày những suy nghĩ của mình trong một đoạn văn hoặc một bài văn ngắn, đảm bảo rõ ý, có sự liên kết, lập luận chặt chẽ, đúng thể loại văn nghị luận xã hội.

Yêu cầu về nội dung:

* Giải thích, phân tích.

+ Cội nguồn: nơi bắt đầu của một căn nguyên hoặc một điều gì đó. Cội nguồn của mỗi con người là gia đình và quê hương, đất nước.

+ Tình yêu thương, niềm vui, hạnh phúc của gia đình có ảnh hưởng lớn tới tâm hồn và nhân cách con người. Trong gia đình, cha mẹ có vai trò quan trọng, thiêng liêng – nuôi nấng, dạy dỗ, theo dõi từng bước trưởng thành của người con.

+ Quê hương là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên, là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Thiên nhiên tươi đẹp, nghĩa tình cùng với những tấm gương về lối sống cao đẹp của quê hương, góp phần tạo cho mỗi người nhân cách sống tốt đẹp.

* Bàn luận mở rộng:

+ Dân tộc Việt Nam luôn sống với ý thức hướng về cội nguồn. Đó là đạo lý :Uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào…. Những giá trị đó đang được các thế hệ người Việt Nam ra sức vun đắp, gìn giữ từ đời này sang đời khác và trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm nên cốt cách tâm hồn người Việt.

+ Suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay: Đất nước đang trên đà phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới, mỗi cá nhân ở mọi lĩnh vực khác nhau phải phát huy sức mạnh truyền thống; tích lũy tri thưc, kĩ năng sống, trau đồi phẩm chất, ý chí; luôn tự tin… để xứng đáng với gia đình, quê hương.

Câu 3:

1. Yêu cầu chung: Học sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tùy tiện. Bài viết phải làm nổi bật được vẻ đẹp của hình tượng nhân vật anh thanh niên.

2. Yêu cầu cụ thể:

a. Mở bài: Dẫn dắt và nêu được vấn đề nghị luận – nhân vật anh thanh niên được tác giả Nguyễn Thành Long khắc họa với nhiều vẻ đẹp đáng quý.

b. Thân bài:

* Tình huống truyện: Anh thanh niên không xuất hiện trực tiếp ngay từ đầu tác phẩm mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ tình cờ với những người khách (ông họa sĩ và cô kĩ sư) trên chuyến xe Lai Châu khi xe của họ dừng lại nghỉ ở Sa Pa.

* Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên:

+ Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi quê ở Lào Cai, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn – Sa Pa. Anh tình nguyện sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo.

+ Đây là hoàn cảnh sống khá đặc biệt. Khó khăn thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc.

* Vẻ đẹp hình tượng nhân vật anh thanh niên

– Có ý thức trách nhiệm và tình yêu với công việc:

+ Làm công việc âm thầm, lặng lẽ trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt nhưng anh không hề quản ngại, không một lần bỏ qua.

+ Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của công việc: thấy được công việc mình làm có ích cho cuộc đời, nó gắn liền anh với mọi người và cuộc sống chung của đất nước. Với anh, công việc là niềm vui, là người bạn nên ở một mình anh vẫn không cảm thấy cô đơn.

+ Khắc phục gian khổ, làm việc nghiêm túc, khoa học, tỉ mỉ.

– Có lí tưởng, lẽ sống cao đẹp.

Tự nghĩ mình phải vì mọi người, vì quê hương, đất nước “Mình sinh ra là gì? Mình đẻ ở đâu?”

Thấy hạnh phúc vì đã đóng góp, cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung.

– Anh lại rất khiêm tốn.

+ Kể về chiến công, đóng góp của mình một cách khiêm nhương.

+ Khi ông họa sĩ vẽ mình, anh đã từ chối vì cho rằng đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Anh giới thiệu cho ông họa sĩ những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn mình như: ông kĩ sư nông nghiệp, anh cán bộ nghiên cứu khoa học.

– Sống giản dị, chủ động gắn mình với cuộc đời.

+ Cuộc sống bình thường, ngăn nắp; một căn nhà nhỏ, một chiếc giường lớn, một chiếc bàn học và cái giá sách.

+ Biết tổ chức cuộc sống riêng: nuôi gà, tự tìm niềm vui-trồng hoa, đọc sách,… sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời.

– Với những người xung quanh anh cởi mở, tốt bụng, chân thành, quý trọng tình cảm.

+ Rất hiếu khách: anh mững rỡ, quý mến, đón tiếp thân tình, nồng hậu khi khách lạ đến chơi, thèm người để trò chuyện.

+ Luôn quan tâm đến mọi người…

– Đánh giá, khái quát:

+ Với vẻ đẹp bình dị mà cao cả, sống có lí tưởng, biết hi sinh cho nhân dân, đất nước…. anh thanh niên chính là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam những năm 70 của thế kỉ XX – thời kì xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước. Vẻ đẹp ấy khiến người đọc trân trọng, cảm phục và phải suy nghĩ lại cách sống của bản thân mình.

+ Nghệ thuật: tạo tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, chi tiết chân thực, tinh tế, giọng văn nhẹ nhàng, êm ái, giàu chất thơ…. làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật, tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm.

c. Kết bài:

Khẳng định nét đẹp nổi bật của nhân vật, từ đó mở rộng hoặc rút ra bài học cho bản thân.

Xem thêm các Đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án hay khác: