Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

[email protected] - 23/08/2023

Việc làm bài nghị luận về tác phẩm truyện không chỉ giúp người viết hiểu sâu hơn về tác phẩm mà còn rèn luyện kỹ năng phân tích và suy luận. Hôm nay Marathon Education mời bạn cùng tìm hiểu về cách là bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích để học tốt môn Ngữ văn lớp 9.

1. Tìm hiểu cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

1.1. Tìm hiểu đoạn văn SGK

 Gấp lại truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa“, lòng ta cứ xao xuyến, vấn vương trước vẻ đẹp của những con người, trước những tình cảm chân tình, nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu. Viết về một mảng hiện thực trên miền đất Sa Pa trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thiên truyện như muốn nói với ta rằng: Bên trong vẻ lặng lẽ của núi rừng cuộc sống ở đây chứa bao vẻ đẹp đáng yêu, đang có không ít sự hi sinh thầm lặng. Dù được miêu tả nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nhân vật nào của “Lặng lẽ Sa Pa” cũng hiện lên với nét cao quý đáng khâm phục. Trong đó, anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu – nhân vật chính của tác phẩm – đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.

 Trước tiên, nhân vật anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tỉnh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sĩ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã mấy năm nay, anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Công việc hằng ngày của anh là đo gió, đo nhiệt độ, đo mưa, đo nắng rồi ghi chép, rồi gọi vào máy bộ đàm bảo vệ trung tâm. Nhiều mùa, nhiều đêm anh phải đối chọi với gió tuyết và lặng im. Vậy mà anh rất yêu công việc của mình. Chúng ta hãy nghe lời nói của anh thanh niên với ông hoạ sĩ : “[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chỉ dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Còn đây là tâm sự của anh với cô kĩ sư trẻ : “[…] lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà !”. Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, vẫn biết sắp xếp, lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định. Anh nuôi gà, trồng hợp, đọc sách. Thỉnh thoảng anh xuống đường, tìm gặp bác lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho nguôi nỗi nhớ nhà, vợi bớt cô đơn.

 Sống trong hoàn cảnh như thế, sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn. Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nổi “thèm người”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt, ở sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách, nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sĩ già, có kĩ sư trẻ. Niềm vui được đón khách đảo đạt trong lòng anh, toát lên trên nét mặt, qua từng cử chỉ. Anh biểu bác lái xe củ tam thất để mang về cho vợ bác mới ốm dậy. Anh mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ. Anh hồ hởi đón mọi người lên thăm “nhà” mình và hồn nhiên kể về công việc, cuộc sống của mình, của bạn bè nơi Sa Pa lặng lẽ. Chúng ta khó có thể quên việc làm đầu tiên của anh thanh niên khi có khách lên thăm nơi ở của mình : hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái chưa hề quen biết. “Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, có đỡ lấy”. Củ tam thất gửi vợ bác lái xe, làn trứng, bó hoa tiễn người hoạ sĩ già, cô gái trẻ tiếp tục cuộc hành trình, đó là những kỉ niệm của một tấm lòng sốt sắng, tận tình đáng quý.

 Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước như thế nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế, anh ngượng ngùng khi ông hoạ sĩ già phác thảo chân dung của mình vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho hoạ sĩ những người đáng để vẽ hơn mình. Đó là ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa vượt qua bao khó khăn, vất vả để tạo ra những củ su hào to hơn, ngon hơn cho nhân dân toàn miền Bắc, là anh cán bộ khí tượng dưới trung tâm suốt mười một năm nay chuyên tâm nghiên cứu và thiết lập một bản đồ sét. Dù còn trẻ tuổi, ảnh thấm thía cái nghĩa, cải tình của mảnh đất Sa Pa mà mình được sinh ra, lớn lên, thấm thía sự hi sinh lặng thầm của những con người ngày đêm làm việc, lo nghĩ cho đất nước.

 Bằng một cốt truyện khá nhẹ nhàng, những chi tiết chân thực, tinh tế, bằng ngôn ngữ đối thoại sinh động. Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa lặng lẽ. Chưa đầy ba mươi phút tiếp xúc với anh thanh niên khiến người hoạ sĩ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà mình không bao giờ thể hiện hết được, khiến cô kĩ sư trẻ lòng bao cảm mến, bâng khuâng. Với truyện ngắn này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định : Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hi sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.

(Quỳnh Tâm)

Câu hỏi:

a) Vấn đề nghị luận của văn bản này là gì? Hãy đặt một nhan đề thích hợp cho văn bản.

b) Vấn đề nghị luận được người viết triển khai qua những luận điểm nào? Tìm những câu nêu lên hoặc có đúc luận điểm của văn bản.

c) Để khẳng định các luận điểm, người viết đã lập luận (dẫn dắt, phân tích, chứng minh) như thế nào? Nhận xét về những luận cứ được người viết đưa ra để làm sáng tỏ cho từng luận điểm. (Gợi ý: Những luận cứ đó được lấy ở đâu, gồm những điều gì?)

>> Dành cho bạn: Văn bản Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

hoc-thu-voi-gv-truong-chuyen

 

 

Gợi ý trả lời:

a)

  • Vấn đề nghị luận về tác phẩm truyện: Văn bản này nói về những phẩm chất tuyệt vời của một anh chàng trẻ làm việc trong lĩnh vực khí tượng và vật lý địa cầu qua câu chuyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long. Câu truyện này tập trung vào những đức tính đẹp đẽ của nhân vật chính, mang đến cho độc giả thông điệp về tầm quan trọng của những giá trị này trong cuộc sống.
  • Nhan đề cho văn bản: Hình ảnh anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

b) Luận điểm được nêu trong bài văn:

  • “Dù được miêu tả nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, nhân vật nào của “Lặng lẽ Sa Pa” cũng hiện lên với nét cao quý đáng khâm phục. Trong đó, anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu – nhân vật chính của tác phẩm – đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.” => Vấn đề nghị luận.
  • “Trước tiên, nhân vật anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tỉnh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình” => Luận điểm.
  • “Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nổi “thèm người”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt, ở sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo” => Luận điểm.
  • “Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước như thế nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn.” => Luận điểm.
  • “Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hi sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.” => Đúc kết vấn đề nghị luận.

c)

  • Người viết đã lập luận một cách rõ ràng và đầy thuyết phục để khẳng định các luận điểm của mình. Các lập luận này được trình bày một cách ngắn gọn và tạo ấn tượng đối với người đọc.
  • Mỗi luận điểm trong bài văn đều được phân tích và chứng minh đầy đủ bằng những dẫn chứng cụ thể. Những chi tiết và hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm giúp các lập luận trở nên sinh động và chính xác.
  • Bài văn được viết theo một bố cục chặt chẽ và tự nhiên, giúp người đọc dễ dàng theo dõi và hiểu rõ các luận điểm. Người viết đã tạo động lực cho bài văn bằng cách tự đặt vấn đề, phân tích và khẳng định để nâng cao vấn đề cần nghị luận.

1.2. Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

  • Để viết một bài văn nghị luận về một bài thơ đoạn thơ hay m ột tác phẩm truyện hoàn chỉnh và rõ ràng, các bạn cần tuân theo những bước làm bài văn nghị luận bao gồm: Tìm hiểu đề bài và tìm ý, lập dàn bài triển khai các ý cần nghị luận, viết bài và đọc lại để sửa chữa.
  • Trong bài văn 9 nghị luận về tác phẩm truyện, các bạn có thể nghị luận về chủ đề, nhân vật, cốt truyện hoặc nghệ thuật của câu chuyện. Bài viết cần đầy đủ các phần của bài văn nghị luận, bao gồm: Mở bài (giới thiệu tác phẩm), thân bài (trình bày những nét chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm) và kết bài (nhận xét và đánh giá chung của bạn về tác phẩm).
  • Quan trọng trong quá trình xây dựng luận điểm là bạn cần thể hiện tình cảm và quan điểm của mình về tác phẩm. Các luận cứ phải được phân tích và chứng minh bằng những ví dụ và chứng tích cụ thể. Chúng ta cũng cần thể hiện sự cảm thụ và ý kiến riêng của mình về tác phẩm. Để bài viết trở nên hợp lý và tự nhiên thì cần liên kết các phần và đoạn văn trong bài văn nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích lớp 9.

2. Luyện tập nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

Bài tập: Đọc đoạn văn sau rồi trả lời câu hỏi: Vấn đề nghị luận của đoạn văn là gì? Đoạn văn nêu lên những ý kiến chính nào? Các ý kiến ấy giúp ta hiểu thêm gì về nhân vật lão Hạc?

Từ việc miêu tả hoạt động của các nhân vật, Nam Cao đã gián tiếp đưa ra một tình thế lựa chọn đối với lão Hạc mà các dấu hiệu của nó đã được chuẩn bị ngay từ đầu. Đó là việc giải quyết cái sống và cái chết : sống liệu có giữ được mảnh vườn cho con mà vẫn có cái để mà ăn hay không (bán mất mảnh vườn sẽ là một trọng tội không thể tha thứ được trong lương tâm của lão đối với người vợ đã khuất và đứa con đang ở xa); hay là chết thì sẽ giữ được mảnh vườn, lương tâm yên ổn? Nhưng nếu chết thì phải chết như thế nào, chuẩn bị cho nó ra sao?… Cuối cùng, lão Hạc lựa chọn cái chết. Đầu tiên lão để cho cậu Vàng chết trước. Sau đó mới đến mình. Lão âm thầm chuẩn bị, dọn dẹp chu tất một con đường sạch sẽ để bước đến nhà mồ (nhờ ông giáo giữ vườn để khỏi ai tranh chiếm, nhòm ngó, gửi cầm 30 đồng bạc để cậy bà con lo liệu ma chay nếu mình có mệnh hệ gì). Lão đã chọn cái chết trong còn hơn phải sống khổ, sống nhục. Lão đã chết một cách cao ngạo và thảm khốc. Chỉ có bằng cách này lão mới khỏi phạm vào mảnh đất thiêng dành cho con mình, mới có thể chấm dứt kiếp sống lay lắt, héo úa. Cái chết của lão Hạc khiến ta đau đớn nhận ra một tình phụ tử thiêng liêng và thăm thẳm. Tội nghiệp cho lão, chắc hẳn lão nung nấu ý định chết từ lâu rồi, từ cái ngày đầu sang nói chuyện bán cậu Vàng với ông giáo, rõ nhất là cái hôm lão sang gửi vườn và tiền. Chả thế mà câu chuyện của lão rề rà, vòng vo, nặng nhọc, nhức nhối một điều gì đó thật khó nói ; tâm can lão bị đè nặng bởi ý định tự tử phải giấu. Lão đã làm tất cả những gì có thể làm được trước khi đi đến cái chết, tuy lặng lẽ, âm thầm mà thật dứt khoát, quyết liệt. Để bảo toàn nhân cách của mình, lão không có con đường nào khác là phải chủ động tìm đến cái chết. Lão Hạc đã dùng cái chết của mình để cấy cái sống cho đứa con trai đang đi phu đồn điền biền biệt. Đó là một lựa chọn tột cùng đau đớn của thân phận con người. Ý nghĩa câu chuyện chủ yếu được phát sáng từ điểm then chốt này.

(Theo Văn Giá, Chiều sâu truyện “Lão Hạc”)

 

Gợi ý trả lời:

  • Trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, cái chết của nhân vật lão Hạc đã thể hiện vẻ đẹp nhân cách của ông. Trong đoạn văn nghị luận về tác phẩm truyện này, chúng ta thấy được ba ý chính: Lão Hạc đã phải đối mặt với việc lựa chọn giữa sống và chết, ông đã chọn cái chết để không phải sống khổ và nhục và cái chết của ông đã gieo mầm cho một cuộc sống mới.
  • Đoạn văn này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhân vật lão Hạc trong truyện. Việc ông hy sinh bản thân và chọn cái chết thay vì sống trong cảnh khốn khó và nhục nhã là một hành động cao cả và đáng khâm phục. Điều đó cũng cho thấy rằng nhân vật lão Hạc phải đối mặt với nỗi đau thân phận của một con người.

>> Có thể bạn cần: Soạn văn 9 bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang – Ngữ văn 9

bottom-banner

Các Bài Viết Liên Quan