Văn 12: Vợ Chồng A Phủ – Tô Hoài

Vy - 25/05/2022

Trong sự nghiệp văn học của mình, nhà văn Tô Hoài đã sáng tác rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Một trong số đó phải kể đến tác phẩm văn 12 vợ chồng A Phủ. Vậy, tác phẩm này có nội dung và ý nghĩa như thế nào? Các em hãy cùng Marathon Education tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau.

Tác giả Tô Hoài

Tác giả Tô Hoài (Nguồn: Internet)
Tác giả Tô Hoài (Nguồn: Internet)

Tô Hoài là một trong những nhà văn ưu tú của giới văn học nước nhà. Marathon Education tóm tắt một số thông tin chính về cuộc đời cũng như phong cách sáng tác của nhà văn có tầm ảnh hưởng trong giới văn học Việt Nam này. 

1. Cuộc đời

Cuộc đời nhà văn Tô Hoài trải qua rất nhiều sự kiện. Dưới đây là tiểu sử tóm tắt cuộc đời và hoạt động của ông:

  • Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) có tên thật là Nguyễn Sen. 
  • Nơi sinh: Tại quê nội: Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thủ đô Hà Nội). 
  • Nơi sinh sống và lớn lên: Tại quê ngoại: làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
  • Ông làm rất nhiều nghề để mưu sinh như: gia sư, bán hàng, kế toán,… Đôi lúc ông còn bị thất nghiệp.
  • Ông sở hữu kho kiến thức phong phú về văn hóa và phong tục nhiều vùng miền. Có lẽ vậy mà các tác phẩm của ông rất chân thật.
  • Hoạt động cách mạng: 
    • Năm 1943, ông gia nhập vào Hội văn hóa cứu quốc.
    • Tham gia viết báo và văn nghệ ở Việt Bắc vào thời kì kháng chiến chống Pháp.
  • Năm 1993, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Ngoài ra, ông còn được nhận một số giải thưởng lớn về văn học như giải Bùi Xuân Phái, giải nhất tiểu thuyết Hội văn nghệ Việt Nam, giải thưởng của Hội nhà văn Á Phi.

hoc-thu-voi-gv-truong-chuyen

 

2. Phong cách sáng tác

Văn phong của nhà văn Tô Hoài rất bình dị. Ông sử dụng lối diễn tả trần thuật sinh động cùng ngôn từ phong phú khiến người đọc bị lôi cuốn qua từng trang văn. Các tác phẩm của ông hầu hết đều có nội dung kể về những câu chuyện có thật đời thường. Ông có thể sáng tác đa dạng thể loại từ hồi ký, truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận,… đến kịch bản phim. 

Một số tác phẩm tiêu biểu xuất sắc của nhà văn Tô Hoài:

  • Chuyện cũ Hà Nội (ký sự, 2010)
  • Chiều chiều (tiểu thuyết, 1999)
  • Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992)
  • Quê nhà (tiểu thuyết, 1981)
  • Tự truyện (1978)
  • Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953)
  • Cỏ dại (hồi ký, 1944)
  • O chuột (tập truyện ngắn, 1942)
  • Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1941)

Tác phẩm Vợ Chồng A Phủ

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Nguồn:Internet)

Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm này được đưa vào chương trình văn học 12 đáng chú ý. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này, các em hãy cùng theo dõi những phân tích dưới đây:

Tìm hiểu chung về tác phẩm Vợ Chồng A Phủ Văn 12

Tác phẩm văn 12 vợ chồng A Phủ trích trong tập Truyện Tây Bắc được xuất bản vào năm 1953. Sau đây là một số nội dung chính của tác phẩm:

Hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm được nhà văn Tô Hoài sáng tác vào năm 1952, ông lấy cảm hứng sau chuyến đi thực tế trên các bản làng mới giải phóng. Nhà văn đã cùng ăn, cùng ở, cùng gắn bó suốt 8 tháng với đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc nên câu chuyện trong tác phẩm rất sống động và chân thật.

Bố cục

Tác phẩm Văn 12 vợ chồng A Phủ được chia thành 3 phần như sau:

  • Phần 1 (từ đầu đến “Đến bao giờ chết thì thôi”): Miêu tả hoàn cảnh sống và tâm trạng của Mị.
  • Phần 2 (tiếp theo đến “Vì thế mà sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài”): Kể về cuộc đời của A Phủ.
  • Phần 3 (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ định mệnh và sự tự giải thoát của Mị và A Phủ.

Tóm tắt tác phẩm Vợ Chồng A Phủ

Nhân vật chính trong tác phẩm là Mị và A Phủ. Mị là một cô gái xinh đẹp, đang trong độ tuổi xuân xanh, sống tại Hồng Ngài. Vì mê vẻ ngoài của Mị nên A Sử – con trai thống lí Pá Tra đã bắt Mị về làm vợ mượn danh nghĩa gạt nợ cho nhà thống lí. Trong khoảng thời gian đầu, đêm nào Mị cũng khóc trong tủi hờn, uất ức, thậm chí Mị còn định ăn lá ngón để tự sát. Nhưng vì thương cha già cơ cực nên Mị không dám và đành phải sống tiếp. Cuộc sống làm dâu của Mị rất vất vả, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Sang một mùa xuân mới, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình, tâm hồn ngày trước của Mị bị thức tỉnh, Mị muốn đi chơi. Tuy nhiên, Mị bị A Sử bắt gặp và bắt trói đứng nơi buồng tối. 

A Phủ là một chàng trai nghèo, sở hữu thân hình vạm vỡ và một sức khỏe lực điền. Không những vậy, A Phủ còn rất chăm chỉ lao động. Trong một lần đánh nhau làm A Sử bị thương nên bị làng phạt vạ 100 lạng bạc trắng, vì không có tiền nộp phạt nên A Phủ phải ở đợ để trả nợ cho nhà thống lí Pá Tra. 

Không may, vào một hôm A Phủ chăn bò để hổ rình bắt mất một con khiến thống lí Pá Tra nổi giận, trói đứng anh vào cột nhà, không cho ăn uống. Lúc đầu, khi nhìn thấy A Phủ bị trói, Mị dửng dưng, thản nhiên xem như không có việc gì. Nhưng khi nhìn thấy hàng nước mắt chảy dài trên gò má đen sạm của A Phủ, tấm lòng thiện lương của Mị bừng tỉnh. Mị nghĩ đến số phận của bản thân và đồng cảm với cảnh ngộ đáng thương của A Phủ. Cuối cùng, Mị quyết định cắt đứt dây trói, giải thoát cho A Phủ cũng chính là giải thoát cho bản thân Mị. Sau đó, cả hai cùng nhau bỏ trốn khỏi nhà thống lí đến Phiềng Sà. Tại đây, cả hai đã được giác ngộ cách mạng.

Tìm hiểu chi tiết về tác phẩm Vợ Chồng A Phủ Văn 12

Văn 12 Vợ chồng A Phủ cũng yêu cầu các em biết được cách phân tích một cách chi tiết về các tuyến nhân vật chính được đề cập xuyên suốt tác phẩm, đó là Mị và A Phủ. 

Nhân vật Mị

  • Cảnh ngộ của nhân vật: 
    • Mị sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Vì cha mẹ nợ nần, không có khả năng chi trả nên Mị làm dâu gạt nợ tại nhà thống lí. 
    • Mị chỉ biết làm đi làm lại những công việc thường ngày, quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ, “Con trâu con ngựa nó còn có lúc đứng gãi chân nhai cỏ chứ đàn bà con gái nhà này thì làm không nghỉ tay”.
    • Mị sinh sống trong một gian phòng chật hẹp, chỉ có vỏn vẹn một ô vuông bằng lòng bàn tay để có thể nhìn ra thế giới bên ngoài nên rất khó để có thể biết được trời đang nắng hay mưa vị Mị chỉ nhìn được mờ mờ, trăng trắng. 
  • Tâm trạng và hành động:
    • Dựa trên hành động và tâm trạng của Mị được tác giả miêu tả, ta có thể thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt bên trong Mị. Đó là khát khao được tự do, được mưu cầu hạnh phúc giống như bao cô gái nông thôn bình dị khác. Khát khao ấy mãnh liệt đến nỗi có thể sẵn sàng bùng phát khi có cơ hội.
  • Sức sống tiềm tàng trong Mị: 
    • Dù rằng ở thực tại, Mị đang phải chịu nhiều khổ sở. Nhưng ta vẫn cảm nhận được hình ảnh của cô Mị ngày xưa, thoát ẩn thoát hiện trong thân thể hao mòn của người con gái hiếu thảo này. 
    • Ở Mị, ta còn nhận thấy khát vọng tình yêu cháy bỏng. Nếu không phải làm dâu gạt nợ, có lẽ Mị sẽ thực hiện được mong ước của mình vì “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”.
    • khi bị bắt về nhà thống lí, Mị đã nghĩ đến ý định tự vẫn khi mà “mấy tháng ròng đêm nào Mị cũng khóc”. Mị bỏ trốn về nhà với nắm lá ngón được nắm chặt trong tay. Ở hình ảnh này, ta có thể cảm nhận được khát vọng được sống đúng nghĩa, không chấp nhận cuộc sống bị chà đạp, bị xem như là một con vật của cô gái này mãnh liệt đến mức nào.
  • Sức sống mãnh liệt của Mị trỗi dậy trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài:
    • Mị ý thức được bản thân “thấy phơi phới trở lại…”, “Mị còn trẻ lắm…”, Mị muốn “đi chơi Tết” để kết thúc cuộc sống tù đày.
    • Trong lúc bị A Sử trói, tâm hồn của Mị vẫn hướng về tiếng sáo, âm thanh của những đám đông vui chơi bên ngoài. 
  • Khi A Phủ bị phạt đứng:
    • Ban đầu Mị tỏ ra dửng dưng. Nhưng khi nhìn thấy giọt lệ của chàng trai đáng thương này, cô bỗng nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân trong quá khứ và cảm thấy xót thương cho kiếp người bị đối xử đày đọa “ có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, … phải chết”.
    • Mị cắt dây trói cho A Phủ. Mị sợ nhà thống lí nên cô quyết định bỏ trốn cùng anh. 

Nhận xét: Mị là cô gái rất mạnh mẽ và quyết đoán. Hành động dứt khoát của Mị đã thể hiện ý chí muốn đạp đổ cường quyền của các bè lũ thống trị. 

Nhân vật A Phủ

  • Xuất thân của nhân vật: mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống một mình cô độc. 
  • Trải qua những ngày tháng bị đối xử như tù nhân tại nhà thống lí:
    • Vì đánh con quan và thua cuộc trong vụ kiện, A Phủ đã phải gánh chịu những hành hạ nặng nề về mặt thể chất lẫn tinh thần: làm các công việc năng và nguy hiểm như “săn bò tót, đốt rừng,…”. 
    • Giá trị của anh không bằng một con bò. Vô tình làm mất bò, A Phủ bị phạt đứng cho đến chết. 
  • Tính cách của nhân vật:
    • Khi còn bé thì mạnh mẽ và gan bướng.
    • Lúc trưởng thành lại trở thành một chàng trai chăm chỉ, khỏe mạnh, biết tỏ ra bất bình trước những bất công của hiện thực. Đồng thời, A Phủ cũng là một anh chàng khao khát tự do, có sức phản kháng vô cùng mãnh liệt khi đã “khuỵu xuống, không bước nổi” nhưng lúc được cởi trói vẫn cố gắng “quật sức vùng lên, chạy”, cùng với Mị thoát khỏi cuộc sống tù đày tại nhà thống lí. 

Giá trị tác phẩm Vợ Chồng A Phủ Văn 12

Giá trị nội dung

  • Giá trị hiện thực:
    • Phản ánh một cách chân thực số phận của người dân nghèo ở vùng Tây Bắc dưới sự thống trị của bọn cầm quyền tàn bạo.
    • Thấy rõ sự tàn nhẫn của bọn kẻ thù khi chúng đã dùng mọi cách để hành hạ thể xác và tinh thần của người dân lao động nghèo miền núi.
    • Diễn tả quá trình vượt lên chính mình, tìm lại ánh sáng tự do của con người Tây Bắc chân chất, thật thà. 
  • Giá trị nhân đạo: 
    • Cảm thông một cách sâu sắc với nỗi khổ của cuộc đời những người lao động nghèo như Mị và A Phủ.
    • Ca ngợi vẻ đẹp không chịu khuất phục của Mị và A Phủ. 
    • Tố cáo ách thống trị phong kiến của bọn địa chủ hống hách, bóc lột con người đến tận xương tận tủy.
    • Hướng người lao động nghèo đến một con đường tươi sáng hơn. Đó là tự giải thoát cho chính mình, đi tìm lại tự do, đi tìm lại hạnh phúc.

Giá trị nghệ thuật

  • Nghệ thuật miêu tả đặc sắc với những hình ảnh đậm chất thơ.
  • Nghệ thuật kể chuyện sinh động, tự nhiên và hấp dẫn. Xây dựng bố cục chặt chẽ, dẫn dắt người đọc hiệu quả. 
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật, khắc họa tính cách và tâm lý của từng tuyến nhân vật xuyên suốt cốt truyện vô cùng thành công. 
  • Ngôn từ tinh tế, mang đậm màu sắc của vẻ đẹp vùng núi Tây Bắc.

Tham khảo ngay các khoá học online của Marathon Education

 

 

 

Văn 12 Vợ chồng A Phủ là một trong các tác phẩm văn học có nhiều kiến thức liên quan đến các đề kiểm tra, đề thi trung học phổ thông quốc gia. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các em biết được cách phân tích tác phẩm này một cách súc tích nhất để có thể được điểm cao trong những đề văn liên quan đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ này.

Hãy liên hệ ngay với Marathon để được tư vấn nếu các em có nhu cầu học trực tuyến nâng cao kiến thức nhé! Marathon Education chúc các em được điểm cao trong các bài kiểm tra và kỳ thi sắp tới!

bottom-banner

Các Bài Viết Liên Quan