Tiểu đội xe không kính là bài thơ khắc họa những hình ảnh độc đáo về những chiếc xe không kính và những người lính đã vượt qua khó khăn của chiến tranh để chi viện cho chiến trường. Các em hãy cùng Marathon tìm hiểu tác giả và bài thơ về Tiểu đội xe không kính chương trình Văn Lớp 9 của Phạm Tiến Duật qua bài viết sau.
“Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” được Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969, trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ và nằm trong tập thơ “Vầng trăng quầng lửa”.
Khi đọc nhan đề Bài thơ tiểu đội xe không kính, người đọc sẽ ngay lập tức nhận ra hình ảnh nổi bật bao quát trong toàn bài, đó là những chiếc xe không kính đang chạy bon bon để chi viện cho chiến trường. Vượt lên trên thực tế về những chiếc xe bị vỡ kính vì bom đạn thì chất thơ của hiện thực lại khắc họa rõ nét hình ảnh của những người lính trẻ đầy hiên ngang, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc.
Ở khổ đầu, nhà thơ đã miêu tả thực tế về những chiếc xe không có kính, vì “bom giật” “bom rung” mà kính xe đã vỡ. Tuy nhiên không vì thế mà người lính run sợ, né tránh. Ngược lại, những chiến sĩ còn thể hiện phong thái đĩnh đạc, ung dung, tập trung vào những cung đường để điều khiển xe chạy đến đích.
Khổ thơ thứ 2 là những cảm giác chân thực của người cầm lái khi điều khiển chiếc xe không có kính chắn, đó là cảm giác “mắt đắng” khi bị gió táp thẳng vào mặt. Ở khổ thơ này, nhà thơ đã rất khéo léo khi dùng phép tu từ nhân hóa “gió vào xoa”, “con đường chạy thẳng” tạo nên sự sống động, uyển chuyển cho cả khổ thơ.
Sau 2 khổ thơ đầu của Bài thơ tiểu đội xe không kính, điều đọng lại trong tâm trí người đọc đó là hình ảnh người chiến sĩ anh hùng, dũng cảm, vượt qua mọi gian khổ của cuộc chiến để chi viện cho chiến trường, đem sức thanh niên góp phần giải phóng cho đất nước.
Khổ thơ thứ 3 và thứ 4 của Bài thơ tiểu đội xe không kính đã miêu tả hết sức chân thực về hình ảnh những người lính phải đối đầu với bao khó khăn, nghiệt ngã của Trường Sơn khi ngồi trong xe mà “bụi phun tóc trắng” và “mưa tuôn mưa xối”.
Vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn ấy là sự dũng cảm đối mặt, chấp nhận mọi nguy khó và một tinh thần lạc quan khi “phì phèo châm điếu thuốc” và vui vẻ với giọng cười sảng khoái “ha ha”.
Trong 2 khổ thơ này, nhà thơ đã sử dụng các từ láy tượng hình, tượng thanh “ha ha”, “phì phèo” để ẩn dụ hết sức khéo léo. Từ đó làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ Việt Nam trong mưa bom bão đạn nơi chiến trường.
Khổ thơ thứ 5 của Bài thơ tiểu đội xe không kính là hình ảnh đẹp và độc đáo khi những chiếc xe không kính tập hợp với nhau để tạo thành “tiểu đội”. Qua những ô cửa kính vỡ kia, những người chiến hữu đã nắm tay nhau, truyền cho nhau sức mạnh để đi tiếp giữa mưa bom bão đạn. Khổ thơ hóm hỉnh, vui nhộn, tạo nên một hình ảnh đẹp và khắc họa được tinh thần đồng đội trong cuộc chiến.
Đến khổ thơ thứ 6, hình ảnh những chiếc bếp Hoàng Cầm được nêu ra. Qua các bữa cơm từ chiếc bếp dã chiến này, những người lính đã xem nhau như gia đình và máu mủ ruột thịt gắn kết với nhau.
Điệp ngữ “lại đi, lại đi” ở đầu câu thơ cuối của khổ thơ thứ 6 khi đọc kết hợp với nhịp thơ nghe như nhịp bước hành quân của các chiến sĩ đến với những chặng đường mới. Đồng thời, hình ảnh “trời xanh thêm” ở cuối câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, niềm hy vọng chứa chan, đó còn là phép hoán dụ chỉ về hòa bình của đất nước.
2 câu đầu của khổ thơ vẫn là những hình ảnh về sự khó khăn. Giờ đây, những khó khăn ấy lại được tăng thêm gấp bội vì xe đã “không có kính” lại còn thêm “không có đèn”, “không có mui xe” và “thùng xe có xước”. Tuy nhiên những khó khăn ấy vẫn không thể nào làm các anh chùn bước mà thêm mãnh liệt và hùng hồn khẳng định rằng: “xe vẫn chạy” với lý do “vì miền Nam phía trước”.
Hình ảnh cuối cùng trong bài đã làm bừng sáng lên ý nghĩa của toàn bộ bài thơ “chỉ cần trong xe có một trái tim”. Phạm Tiến Duật đã rất hay khi dùng hình ảnh “trái tim” vừa mang tính hoán dụ vừa mang tính ẩn dụ cho việc dù trong khó khăn cỡ nào thì người lính vẫn mang trong mình tinh thần cách mạng vượt qua để chi viện cho miền Nam đánh thắng quân thù, thống nhất đất nước.
Bài thơ đã khắc họa nên hình ảnh độc đáo về những chiếc xe không có kính và làm nổi bật hình ảnh người chiến sĩ Trường Sơn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt giữa mưa bom, bão đạn, các chiến sĩ vẫn hiên ngang, dũng cảm và mang tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu để giải phóng Miền Nam thân yêu.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính được Phạm Tiến Duật sử dụng ngôn từ và giọng điệu tự nhiên và khỏe khoắn. Đan xem vào đó là những phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ, những từ láy tạo nên giọng thơ vui tươi và hóm hỉnh nhưng chứa những giá trị nghệ thuật hết sức độc đáo mang đến những ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Tham khảo ngay các khoá học online của Marathon Education
Với những kiến thức về bài thơ về tiểu đội xe không kính Văn Lớp 9 – Phạm Tiến Duật được chia sẻ trong bài viết trên, Marathon Education mong rằng các em nắm vững được và biết cách phân tích tác phẩm khi gặp phải trong các bài kiểm tra. Các em hãy theo dõi Marathon Education để học trực tuyến những kiến thức Toán – Lý – Hóa – Văn cấp 2 và cấp 3 mới nhất. Chúc các em học tập tốt!